Ngày 04/04/2019 Công ty DAP-VINACHEM nộp đơn đề
nghị hủy bỏ nhãn hiệu DINH VU theo GCN ĐKNH số 261909 của Công ty Quảng Bình với
các lý do sau đây:
1. Nhãn hiệu ĐINH VŨ tương tự gây nhầm lẫn với
nhãn hiệu “DAP Đình Vũ” đã được sử dụng và được biết đến rộng rãi dưới tên Công
ty DAP-VINACHEM, do đó không có khả năng phân biệt theo Điều 74.2g Luật SHTT, với
các tài liệu chứng minh sau.
- Quyết định số 626/QĐ-TTg ngày 29/07/2002 của
Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân
bón DAP tại Khu kinh tế Đình Vũ, Tp. Hải Phòng. Đây là khởi nguồn cho việc hình
thành nhãn hiệu “DAP Đình Vũ” và sản phẩm mang nhãn hiệu “DAP Đình Vũ”.
- Các bài báo đăng trên các trang web của báo
An ninh Hải phòng, Báo Mới, Sài gòn Giải phóng online, trang thông tin điện tử
của Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam. Hầu hết các bài báo đều đăng thông tin sự kiện
sản phẩm phân bóng DAP đầu tiên của Việt Nam được sản xuất thành công vào năm
2009 tại nhà máy ở khu kinh tế Đình Vũ của bên đề nghị hủy là một sự kiện trọng
đại của quốc gia. Mặc dù có một số bài báo không đề cập chính xác cụm từ “nhãn
hiệu DAP Đình Vũ”, nhưng việc đề cấp các cụm từ “nhà máy DAP Đình Vũ”, “DAP
Đình Vũ”, “Giá bán DAP Đình Vũ”… đủ để giúp người đọc nhận biết và phân biệt được
sản phẩm phân bón của công ty DAP-VINACHEM với các sản phẩm phân bón của các
nhà sản xuất khác. Đồng thời, việc đề cập tới các cụm từ trên đã cho thấy sản
phẩm phân bón DAP của công ty DAP-VINACHEM đã được biết đến rộng rãi gắn với dấu
hiệu “ĐÌNH VŨ” là tên gọi thường thấy của sản phẩm sản xuất tại Khu Công nghiệp
Đình Vũ.
- Các báo cáo tài chính được kiểm toán cho năm
2011 và 2012 chứng minh doanh thu rất lớn từ việc bán các sản phẩm phân bón “DAP
Đình Vũ”.
- Các hợp đồng và các tài liệu khác chứng minh
việc sử dụng rộng rãi của nhãn hiệu “DAP Đình Vũ”.
- Tài liệu quảng cáo: Là các đường dẫn video quảng
cáo sản phẩm mang nhãn hiệu “DAP Đình Vũ” trên trang youtube ngày 17/07/2012.
Video này là chứng cứ chứng minh cách thức thể hiện nhãn hiệu “DAP Đình Vũ”
trên bao bì sản phẩm phân bóng DAP.
2. Công ty Quảng Bình không có quyền đăng ký
nhãn hiệu “ĐINH VŨ”, việc đăng ký nhãn hiệu này vi phạm Điều 87.2 Luật SHTT.
Công ty Sở hữu Trí tuệ INVENCO đại diện cho
công ty Quảng Bình đã nộp đơn phản bác lại các lập luận đề nghị hủy nêu trên của
công ty DAP-VINACHEM, cụ thể.
- Quyết định số 626/QĐ-TTg ngày 29/07/2002 của
Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất phân
bón DAP tại Khu kinh tế Đình Vũ, Tp. Hải Phòng không nhắc đến nhãn hiệu phân
bón “ĐÌNH VŨ”;
- Các chứng cứ chứng minh nhãn hiệu “DAP Đình
Vũ” của công ty DAP-VINACHEM cung cấp về việc đã sử dụng nhãn hiệu rộng rãi là
không đủ cơ sở thuyết phục khi các bài báo, báo cáo tài chính, các quyết định
và các hình ảnh để chỉ cho thấy công ty DAP-VINACHEM đã từng sử dụng nhãn hiệu “DAP
Đình Vũ” song song với các dấu hiệu “DAP”, dấu hiệu “DAP VINACHEM” trên sản phẩm
phân bón.
Công ty DAP-VINACHEM không đưa ra được các chứng
cứ về quảng cáo trên các đài truyền hình như VTV, Cần Thơ v.v… trong khi chỉ
cung cấp tài liệu chứng minh có đoạn video trên Youtube với số lượng người truy
cập hạn chế, không thuyết phục về tính rộng rãi bởi người sử dụng phân bón chủ
yếu là nông dân, không tiếp cận quảng cáo tên Youtube.
Do đó, không đủ cơ sở để cho rằng nhãn hiệu “DAP
Đình Vũ” đã được công ty DAP-VINACHEM sử dụng và biết đến rộng rãi trước thời
điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “ĐÌNH VŨ” của công ty Quảng Bình.
Đồng ý với các lập luận của INVENCO, ngày
29/04/2022, Cục SHTT đã ra quyết định bác bỏ đơn đề nghị hủy bỏ nhãn hiệu “ĐINH
VŨ” của công ty Quảng Bình.