• +84 24 38228595
  • invenco@invenco.com.vn
  • Vấn đề “Thư đồng ý” trong quá trình xác lập quyền đăng ký nhãn hiệu

    Việc từ chối bảo hộ một nhãn hiệu với lý do trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu đã được đăng ký trước (nhãn hiệu đối chứng) xuất phát từ quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ đó là “có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”. Để vượt qua lý do từ chối, người nộp đơn đối với đơn nhãn hiệu xin đăng ký thường cung cấp Thư Đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng, trong đó thường có các nội dung: (i) cho phép người nộp đơn nhãn hiệu đang được xem xét được sử dụng và đăng ký yếu tố trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với yếu tố có trong nhãn hiệu đối chứng và (ii) cam kết rằng sẽ không có bất kỳ tranh chấp nào phát sinh và chịu mọi trách nhiệm về nội dung của việc cho phép này.

    Các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam từ trước đến nay đều không có quy định nào đề cập đến Thư Đồng ý (Letter of consent). Trên thực tế, nhiều trường hợp Thư Đồng ý được chấp nhận như một căn cứ để vượt qua lý do từ chối. Tuy nhiên, trường hợp nào Thư Đồng ý được chấp nhận, trường hợp nào không được chấp nhận vẫn đang là vấn đề cần tiếp tục được thảo luận để có thể áp dụng thống nhất trong quá trình thẩm định đơn.

    Chức năng của nhãn hiệu một mặt bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu đó, mặt khác còn bảo vệ người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Theo đó, nguồn gốc thương mại của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp trên thị trường được phân biệt dựa vào các nhãn hiệu được gắn lên hàng hóa, dịch vụ. Hay nói cách khác, chính nhãn hiệu là dấu hiệu cơ bản để người tiêu dùng phân biệt các nhà sản xuất/nhà cung ứng hàng hóa, dịch vụ đó. Trong đó, khả năng phân biệt của một nhãn hiệu là chính bản thân nhãn hiệu đó chứ không phải là một yếu tố nào khác.

    Thư Đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng chỉ là sự cam kết của chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng đó với chủ đơn nhãn hiệu xin đăng ký về việc cho phép đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu của mình. Sự cam kết đó chỉ là một sự đảm bảo cho việc không phát sinh tranh chấp giữa chủ sở hữu nhãn hiệu đối chứng với chủ đơn nhãn hiệu xin đăng ký. Như vậy, bản thân sự cam kết trong Thư Đồng ý không thể đảm bảo rằng nhãn hiệu đối chứng có khả năng phân biệt với nhãn hiệu xin đăng ký và người tiêu dùng không nhầm lẫn khi lựa chọn các sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu của hai chủ thể này.

    Để hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như thống nhất các nguyên tắc áp dụng quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn xác lập quyền đối với nhãn hiệu tại Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ đang tiền hành thăm dò ý kiến các đại diện sở hữu công nghiệp để giúp Cục có cái nhìn thực tiễn và tổng quát hơn về vấn đề này.

Liên hệ

Trụ sở chính tại Hà Nội

29 Trương Hán Siêu, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
+84 24 38228595, Fax: +84 24 38226059
invenco@hn.vnn.vn; invenco@invenco.com.vn; invencoipfirm@gmail.com

Chi nhánh Tp. HCM

150/27 Hùynh Văn Bánh, Phường 12, Phú Nhuận, TP HCM
+84-28 38 447887; +84 903959623, Fax: +84 24 38226059
invenco.saigon@gmail.com